Tình trạng men gan cao có ảnh hưởng gì đến sức khỏe

Men gan tăng cao có thể là một dấu hiệu cho thấy gan đang không hoạt động bình thường. Khi tế bào gan bị tổn thương hoặc gặp tình trạng viêm, các tế bào không còn nguyên vẹn sẽ giải phóng men gan vào máu, vì vậy xét nghiệm máu sẽ phát hiện ra men gan tăng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin về tình trạng men gan cao, giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, các triệu chứng và tìm hiểu cách cải thiện tình trạng tăng men gan.

1. Vai trò của gan trong cơ thể

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, nằm bên dưới cơ hoành và ở phía bên phải của vùng bụng. Gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm:

  • Sản xuất hầu hết các protein mà cơ thể cần.
  • Chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn để tạo ra năng lượng.
  • Ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng bằng cách tích trữ một số vitamin, khoáng chất và đường.
  • Sản xuất mật, một chất giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.
  • Sản xuất các chất giúp đông máu…
  • Loại bỏ và đào thải các chất độc hại, các chất chuyển hóa có hại của một số loại thuốc.
Gan có vai trò quan trọng trong cơ thể nên cần được bảo vệ
Gan có vai trò quan trọng trong cơ thể nên cần được bảo vệ

2. Men gan cao là gì?

Enzym là những chất hóa học có tác dụng thúc đẩy và tăng tốc các phản ứng hóa học, các chuyển hóa trong cơ thể. Men gan, hay còn gọi là enzym gan, bao gồm alanin transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST), phosphatase kiềm (ALP) và gamma glutamyl transpeptidase (GGT).

Trong trạng thái bình thường, những enzym này chủ yếu lưu trữ trong các tế bào của gan để thực hiện vai trò của chúng. Nhưng khi gan bị tổn thương vì bất kỳ lý do gì, các tế bào gan sẽ tăng giải phóng các enzym vào máu, lúc này xét nghiệm máu sẽ phát hiện men gan tăng cao. Vì vậy, men gan tăng cao thường là một dấu hiệu cho thấy gan của một người không hoạt động bình thường.

3. Vai trò và chức năng của men gan

3.1. Alanin transaminase (ALT)

ALT là một loại enzym được tìm thấy chủ yếu trong các tế bào gan. Ngoài ra, ALT còn có mặt trong thận, một lượng rất thấp ALT cũng có ở tim và cơ.

ALT có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein thành năng lượng. Một cách cụ thể, ALT tham gia vào phản ứng chuyển đổi axit amin alanin sinh ra từ quá trình phân hủy protein thành pyruvate. Pyruvate là một chất trung gian không thể thiếu trong chu trình sản xuất năng lượng cho các tế bào của cơ thể.

ALT trong máu tăng là một dấu hiệu rất hữu ích để phát hiện sớm các bệnh về gan.

3.2. Aspartate transaminase (AST)

AST là một enzym được tìm thấy chủ yếu ở gan và tim. AST còn có tại thận và cơ với mức độ thấp hơn.

AST cũng là một enzym chuyển hóa axit amin, xúc tác phản ứng biến đổi axit amin aspartate thành glutamate. Cũng giống như ALT, AST là một enzym thiết yếu trong quá trình chuyển hóa protein thành năng lượng và thường có trong máu ở mức thấp.

Sự gia tăng nồng độ AST trong máu xảy ra khi có bất thường ở gan, trong các cơn đau tim hoặc chấn thương cơ. Điều này làm cho xét nghiệm AST trở thành một xét nghiệm hữu ích để phát hiện hoặc theo dõi tổn thương gan, các bệnh nhiễm trùng liên quan và một số tác dụng phụ của thuốc.

AST và ALT được coi là hai xét nghiệm quan trọng nhất để phát hiện tổn thương gan. Tỷ lệ nồng độ AST/ALT có thể được tính toán để giúp phân biệt giúp phân biệt tổn thương gan với tổn thương tim hoặc cơ và mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan,

3.3. Phosphatase kiềm (ALP)

Alkaline phosphatase (ALP) là một enzyme được tìm thấy chủ yếu trong gan và xương.

Trong gan, ALP có ở các tế bào ống dẫn dẫn mật. ALP trong xương được sản xuất bởi các tế bào đặc biệt gọi là nguyên bào xương, có liên quan đến sự hình thành xương. Mỗi loại mô khác nhau tạo ra các dạng ALP riêng biệt được gọi là isoenzym.

ALP tham gia vào phản ứng loại bỏ nhóm phosphat khỏi các protein. Nồng độ ALP trong máu tăng cao thường gặp nhất là do bệnh gan, tắc nghẽn ống dẫn mật, bệnh túi mật hoặc các bệnh lý rối loạn phát triển xương.

3.4. Gamma glutamyl transferase (GGT)

GGT hoạt động trong cơ thể như một chất vận ​​chuyển các phân tử khác đến các vị trí khác nhau cơ thể. GGT tập trung chủ yếu ở gan và túi mật. Ngoài ra, một lượng nhỏ GGT cũng có trong lách, tuyến tụy và thận.

Cả ALP và GGT đều tăng cao khi có rối loạn trong quá trình sản xuất và tiết mật. Tuy nhiên chỉ có ALP tăng trong rối loạn phát triển xương. Vì vậy, đánh giá cả hai chỉ số ALP và GGT có thể giúp phân biệt nguyên nhân của tình trạng ALP tăng cao. Nếu mức GGT là bình thường ở một người có ALP cao, thì người đó rất có khả năng có bệnh về xương.

Bên cạnh đó, 75% những người nghiện rượu có chỉ số GGT tăng cao. Việc xét nghiệm và đánh giá chỉ số GGT giúp phát hiện và theo dõi tình trạng lạm dụng rượu ở những người đang điều trị nghiện rượu hoặc những người mắc bệnh viêm gan do rượu.

4. Chỉ số men gan bao nhiêu thì cao?

Các chỉ số men gan được xác định qua xét nghiệm máu
Các chỉ số men gan được xác định qua xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là xét nghiệm thường quy được sử dụng để đánh giá chức năng gan hoặc tình trạng tổn thương gan. Bước đầu tiên để phát hiện tổn thương gan là thực hiện xét nghiệm máu để xác định mức nồng độ của các men gan trong máu.

4.1. Alanin transaminase (ALT)

Giá trị bình thường của ALT trong máu dao động từ 29 đến 33 đơn vị mỗi lít (IU / L) đối với nam giới và 19 đến 25 IU / L đối với nữ giới. Thông thường ALT tăng trên những giới hạn này được xem là ALT cao. Tuy nhiên, phạm vi này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhất định, bao gồm cả giới tính và tuổi tác. Do đó, thông thường bác sĩ sẽ là người quyết định kết quả cụ thể của xét nghiệm.

Mức ALT tăng rất cao (hơn 10 lần bình thường) thường là do viêm gan cấp tính, nhiễm virus viêm gan. Trong trường hợp viêm gan cấp tính, nồng độ ALT thường ở mức cao trong khoảng 1-2 tháng nhưng cũng có thể mất đến 3-6 tháng để trở lại bình thường. Mức ALT cũng có thể tăng cao rõ rệt, đôi khi hơn 100 lần bình thường, do tiếp xúc với thuốc hoặc các chất khác gây độc cho gan hoặc trong các điều kiện làm giảm lưu lượng máu đến gan.

Chỉ số ALT thường không tăng nhiều trong viêm gan mãn tính, thường gấp dưới 4 lần so với bình thường.

4.2. Aspartate transaminase (AST)

Nồng độ AST bình thường ở nam là 10-40 UI/L và ở nữ là 9-32 UI/L.

Tương tự ALT, nồng độ ATS cũng tăng đáng kể trong trường hợp viêm gan cấp tính, nhiễm virus viêm gan, nhiễm độc gan và tăng nhẹ trong viêm gan mãn tính.

Trong hầu hết các trường hợp tổn thương gan, mức ALT tăng nhiều hơn AST và tỷ lệ AST/ALT nhỏ hơn 1. Tỷ lệ AST/ALT thường tăng trong viêm gan do rượu, xơ gan, bệnh gan mãn tính liên quan đến vi rút viêm gan C, trong vài ngày đầu của bệnh viêm gan cấp tính hoặc tổn thương do tắc nghẽn ống mật. Với chấn thương tim hoặc cơ, AST thường cao hơn nhiều so với ALT (thường cao gấp 3-5 lần).

4.3. Phosphatase kiềm (ALP)

Mức ALP ở người lớn khỏe mạnh là 20-140 UI/L. Trẻ em có xu hướng có mức ALP cao hơn so với người lớn vì đang trong giai đoạn phát triển xương. Tương tự, những người đang hồi phục sau chấn thương ở xương, những người mang thai giai đoạn đầu cũng có mức ALP cao hơn bình thường.

4.4. Gamma glutamyl transferase (GGT)

Chỉ số GGT vào khoảng dưới 60 UI/L được xem là bình thường. Thông thường, GGT ở nam giới trong khoảng 11-50 UI/L và ở nữ giới là 7-32 UI/L.

Sau khi uống một lượng rượu quá lớn, mức GGT có thể tăng gấp 10 lần bình thường. Nồng độ GGT tăng gấp 2-3 lần giới hạn trên của mức bình thường trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

5. Nguyên nhân làm tăng men gan

Nhiều bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe bất thường có thể gây tăng men gan. Bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, các dấu hiệu và triệu chứng mắc phải, đôi khi các xét nghiệm bổ sung cũng cần được thực hiện để xác định nguyên nhân làm tăng men gan.

Một số nguyên nhân thường gặp của tình trạng tăng men gan bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là paracetamol.
  • Một số thuốc kê toa, thông thường là các thuốc điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát cholesterol như statin.
  • Uống rượu quá mức, viêm gan do rượu
  • Suy tim
  • Viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C
  • Bệnh gan nhiễm mỡ
  • Xơ gan
  • Viêm gan tự miễn (viêm gan do rối loạn tự miễn)
  • Nhiễm trùng Cytomegalovirus, virus Epstein-Barr
  • Viêm đa cơ
  • Nhiễm trùng huyết
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Viêm gan nhiễm độc

6. Triệu chứng của men gan cao

Men gan cao báo hiệu tình trạng bất thường ở gan
Men gan cao báo hiệu tình trạng bất thường ở gan

Men gan cao thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng riêng biệt. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của tình trạng tăng men gan, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cảm giác mệt mỏi, uể oải, suy nhược cơ thể
  • Nổi mẩn ngứa ở một số vùng trên cơ thể như cổ, tay
  • Đau bụng hoặc cảm giác đầy bụng ở vùng bụng phía trên bên phải.
  • Mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn
  • Sụt cân
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sưng phù ở bụng và chân
  • Rối loạn tinh thần, khả năng tập trung kém
  • Lòng bàn tay đỏ
  • Nước tiểu sậm màu
  • Phân màu nhạt

7. Tại sao cần phải xét nghiệm men gan?

Cũng giống như bất kỳ bệnh lý nào, việc phát hiện sớm các vấn đề giúp ngăn tình trạng tăng men gan trở nên trầm trọng hơn. Tổn thương gan, trong giai đoạn sớm nhất thường không có bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy hãy đi kiểm tra men gan nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được liệt kê dưới đây:

  • Thường xuyên uống nhiều rượu hoặc tình trạng nghiện rượu mãn tính.
  • Có người thân trong gia đình đã hoặc đang mắc các bệnh về gan.
  • Thể trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao.
  • Dùng những thuốc có thể gây hại cho gan.
  • Bị bệnh về túi mật.
  • Thiếu máu.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm men gan nếu nhận thấy bạn có nhiều khả năng bị tổn thương gan. Xét nghiệm men gan cũng giúp bác sĩ theo dõi tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc, dự đoán được tình trạng bệnh có đang chuyển biến xấu hay hiệu quả của việc điều trị để có liệu pháp thích hợp và hiệu quả.

8. Tình trạng men gan cao ảnh hưởng gì đến sức khỏe

Men gan tăng cao xảy ra khi các tế bào gan bị phá hủy bởi một nguyên nhân nào đó. Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý hay tình trạng sức khỏe nguy hiểm như viêm cơ, viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm tắc túi mật, nhồi máu cơ tim…

Men gan càng cao và càng kéo dài thì mức độ tổn thương ở gan càng nghiêm trọng. Khi phát hiện men gan cao, nếu không được thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời, tình trạng men gan cao lâu dài có thể gây ra biến chứng xơ gan, ung thư gan vô cùng nguy hiểm.

9. Cách giảm men gan cao hiệu quả

Việc điều trị và làm giảm tình trạng men gan cao cần dựa trên cơ sở nguyên nhân gây tăng men gan để có biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Nếu men gan cao là do bệnh lý khác gây ra như viêm gan virus thì cần điều trị bằng thuốc kháng virus do bác sĩ chỉ định.

Nếu men gan cao là do tác dụng không mong muốn của một số thuốc (paracetamol, statin…) thì điều quan trọng nhất cần làm là đến ngay cơ sở y tế hoặc bác sĩ điều trị để có biện pháp ngừng thuốc hoặc thay thế thuốc phù hợp, đảm bảo gan không tổn thương thêm nhưng vẫn kiểm soát được bệnh đang mắc.

Nếu nguyên nhân gây tăng men gan là do rượu thì cần ngưng uống rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích sớm nhất có thể để bảo vệ sức khỏe của gan.

Ngoài ra, người có men gan cao cần duy trì một lối sống lành mạnh với một chế độ ăn hợp lý, nâng cao thể trạng bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày. Một số lưu ý về chế độ ăn dành cho người tăng men gan nhằm đẩy lùi tình trạng men gan cao và ngăn chặn diễn tiến bệnh nặng hơn như sau:

9.1. Uống cà phê

Cà phê là một trong những thức uống phổ biến và dễ tìm nhất để tăng cường sức khỏe của gan.

Đã có bằng chứng chỉ ra rằng cà phê bảo vệ gan hiệu quả, ngay cả ở những người khỏe mạnh và những đối tượng đã có vấn đề với cơ quan này. Cụ thể, uống cà phê giúp giảm nguy cơ xơ gan, hoặc tổn thương gan vĩnh viễn ở những bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính. Người ta thấy rằng uống cà phê mỗi ngày giúp làm nguy cơ mắc các bệnh về bệnh gan và làm giảm men gan ở những người bệnh viêm gan.

9.2. Bổ sung axit folic

Bổ sung axit folic giúp cải thiện tình trạng men gan
Bổ sung axit folic giúp cải thiện tình trạng men gan

Ăn nhiều thực phẩm giàu folat và uống bổ sung axit folic vào chế độ ăn uống của bạn đều có khả năng làm giảm mức men gan.

Mặc dù các thuật ngữ folate và axit folic thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên, được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Mặc khác, axit folic là một dạng tổng hợp của vitamin B9, thường có trong các viên uống bổ sung vitamin. Cả folate và axit folic đều có lợi cho sức khỏe của gan. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung axit folic, folat vào chế độ ăn uống hằng ngày giúp làm giảm nồng độ men gan trong máu và giảm thiểu nguy cơ tổn thương gan.

Hãy bổ sung những thực phẩm giàu folat vào thực đơn mỗi ngày của bạn để nâng cao sức khỏe cho gan, chẳng hạn như các loại rau xanh, bao gồm cải xoăn, cải bó xôi,… măng tây, các loại đậu, chuối, đu đủ…

Ngoài ra, bạn cũng có thể uống bổ sung axit folic. Hầu hết các viên uống chứa liều 0,4 hoặc 0,8 miligam axit folic. Liều 0,8 miligam hàng ngày đủ để có hiệu quả giảm men gan đối với người có men gan cao.

9.3. Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe của gan
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe của gan

Hãy bắt đầu áp dụng một chế độ ăn ít chất béo, giảm tinh bột để có thể giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, một nguyên nhân phổ biến của tình trạng men gan cao.

Ăn cá ít nhất hai lần một tuần, đặc biệt là những loại cá có nhiều axit béo omega 3, như cá hồi, cá ngừ…

Chọn sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.

Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa. Hãy tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, đồ hộp.

Chọn ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, vì chúng rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, làm duy trì cảm giác no. Ngũ cốc nguyên hạt là sự thay thế tuyệt vời cho các loại tinh bột tinh chế.

Chọn các loại thịt trắng thay cho thịt đỏ. Thịt trắng là thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng… và hải sản như cá, tôm…

Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.

Ăn nhiều trái cây giàu chất xơ, các vitamin và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Nên ăn các loại quả mọng như việt quất, kiwi, bưởi, cam, táo… Đặc biệt, bơ chứa chất béo lành mạnh có thể làm chậm quá trình tổn thương gan.

Kết luận

Men gan cao thường là dấu hiệu của một số vấn đề về gan. Điều quan trọng là thăm khám và tham khảo ý kiến với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cho men gan tăng cao, ngay cả khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Hạ men gan về mức bình thường cần dựa trên nguyên tắc điều trị nguyên nhân, nhưng ngoài ra, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh là biện pháp đơn giản mà người bệnh có thể dễ dàng thực hiện để ngăn chặn tiến triển phức tạp của men gan cao gây ra.

Mục nhập này đã được đăng trong Chưa phân loại. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *