Các loại cây thuốc nam chữa các bệnh về gan hiệu quả

Gan là cơ quan nội tạng quan trọng trong cơ thể. Các bệnh lý tại gan ngày càng trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong tự nhiên có những bài thuốc nam hỗ trợ điều trị bệnh gan rất hiệu quả. Bài viết dưới đây giúp người bệnh gan có thêm thông tin về một số cây thuốc phổ biến và dễ tìm giúp cải thiện và phục hồi chức năng gan.

Chức năng của gan trong cơ thể

Gan là một cơ quan có kích thước tương đối lớn, nằm ở vùng hạ sườn phải và đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như:

Chức năng tổng hợp

Gan tổng hợp các chất quan trọng với sinh lý cơ thể như các yếu tố đông máu, các protein như albumin, hormone angiotensinogen (hormone giúp cơ thể điều chỉnh mức huyết áp).

Sản xuất dịch mật: dịch mật bao gồm các thành phần như cholesterol, muối mật, sắc tố mật, bilirubin, các chất điện giải và nước. Các thành phần của dịch mật, đặc biệt là muối mật đóng vai trò chính yếu trong việc nhũ hóa giúp cơ thể hấp thu các chất như dầu mỡ và chất béo cùng các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin E, vitamin D và vitamin K.

Sản xuất một số protein huyết tương ví dụ như albumin (albumin là một protein chiếm tỉ lệ lớn trong máu, có vai trò duy trì áp suất keo và áp lực thẩm thấu máu).

Chống lại sự nhiễm trùng bằng cách tạo ra các yếu tố miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

Chức năng chuyển hóa

Chuyển đổi amoniac độc thành urê (urê là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein và được bài tiết qua nước tiểu).

Chuyển hóa các loại thuốc và các chất độc khác trước khi chúng được đào thải ra khỏi cơ thể.

Chức năng dự trữ

Dự trữ sắt: tái sử dụng lượng sắt từ hemoglobin để dự trữ cho cơ thể.

Dự trữ glucose bằng cách chuyển đổi lượng glucose thành glycogen để dự trữ, glycogen sau đó có thể được gan chuyển đổi trở lại thành glucose để tạo năng lượng khi cơ thể cần.

Chức năng thanh thải

Thanh thải bilirubin, cũng từ các tế bào hồng cầu. Nếu có sự tích tụ của bilirubin, da và mắt sẽ chuyển sang màu vàng (ở người bị viêm gan thường bị vàng da và vàng mắt do chức năng đào thải bilirubin của gan bị suy giảm).

Thải độc tố: đây là chức năng quan trọng nhất của lá gan đối với cơ thể. Gan là nơi chứa nhiều enzyme chuyển hóa các chất trước khi được bài tiết ra ngoài. Đa phần các chất độc tố và các chất chuyển hóa, các loại thuốc được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme gan sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể. Nếu chức giải độc của gan bị suy giảm, các chất này có khả năng bị tích tụ trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe.

Các vấn đề thường gặp đối với gan

Viêm gan: thường do vi rút như viêm gan A, B và C. Viêm gan siêu vi cũng có thể có những nguyên nhân không lây nhiễm, bao gồm uống nhiều rượu, chất kích thích, phản ứng dị ứng hoặc béo phì.

Xơ gan: Gan bị tổn thương lâu dài do bất kỳ nguyên nhân nào có thể dẫn đến xơ gan. Các tế bào gan bị xơ không thể thực hiện chức năng thông thường của gan mà trở thành gánh nặng của lá gan. Xơ gan nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư gan.

Ung thư gan: Là loại ung thư gan phổ biến nhất trong các bệnh ung thư. Ung thư biểu mô tế bào gan thường xảy ra sau khi gan bị xơ một thời gian dài không được điều trị đúng cách.

Suy gan: Suy gan có nhiều nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, các bệnh di truyền và uống quá nhiều rượu. Tình trạng suy gan có thể là cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc vào mức độ, nguyên nhân và thời gian bị bệnh. Trong trường hợp suy gan cấp tính, nếu được chữa trị đúng cách và kịp thời thì có khả năng gan sẽ hồi phục được chức năng như ban đầu.

Cổ trướng: là kết quả của bệnh xơ gan, gan bị rò rỉ chất lỏng vào bụng, làm cho bụng phình to, trở nên căng và nặng.

Sỏi mật: Nếu sỏi mật bị kẹt trong ống mật dẫn đến gan, có thể dẫn đến viêm gan và nhiễm trùng ống mật (viêm đường mật).

Một số loại cây thuốc nam chữa bệnh gan

Cây diệp hạ châu

Cây Diệp Hạ Châu là loại thảo dược tiêu biểu chữa bệnh gan
Cây Diệp Hạ Châu là loại thảo dược tiêu biểu chữa bệnh gan

Cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ, chó đẻ răng cưa, diệp hòe thái, lão nha châu. Tên khoa học là Phyllanthus urinaria L, thuộc họ Thầu dầu (Phyllanthaceae). Cây được phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới như Philippines, Ấn độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia… và mọc dại nhiều nơi ở Việt Nam.

Theo y học cổ truyền, cây diệp hạ châu có vị hơi đắng, tính mát với công dụng thanh can, minh mục, thẩm thấp, lợi tiểu.

Các thành phần hóa học trong cây diệp hạ châu gồm chủ yếu là những flavonoid, alcaloid phyllanthin và các hợp chất niranthin, hypophyllanthin, phylteralin.

Diệp hạ châu là cây thuốc tiêu biểu khi nhắc đến các bài thuốc điều trị bệnh về gan. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh diệp hạ châu giúp hỗ trợ đẩy lùi bệnh viêm gan, gan nhiễm mỡ, cải thiện các chỉ số men gan, bảo vệ gan và cải thiện tình trạng tổn thương gan do rượu, làm chậm tiến triển xơ gan.

Bên cạnh các tác dụng tích cực trên gan, cây diệp hạ châu còn được dùng trong y học để ngăn ngừa và điều trị sỏi thận.

Tất cả bộ phận của cây diệp hạ châu đều được tận dụng để làm thuốc. Sau khi thu hái, toàn cây được rửa sạch và phơi khô. Ngoài ra, người ta có thể sấy khô để bảo quản lâu hơn.

Cây cà gai leo

Cây Cà Gai Leo có tác dụng giải độc gan
Cây Cà Gai Leo có tác dụng giải độc gan

Cây cà gai leo còn được biết với tên gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà gai cườm, cà dây leo… Tên khoa học của cà gai leo là Solanum procumbens, thuộc họ Cà (Solanaceae).

Cây cà gai leo có thể mọc hoang và phân bố rộng rãi trên nước ta, thích nghi trên đất cát và thường mọc ở vùng núi và trung du, vùng đồng bằng ven biển. Một số tỉnh có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây cà gai leo như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa,…. Bên cạnh đó, người ta cũng trồng cây cà gai leo ở nhiều nơi để làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, có tác dụng tán phong thấp, tiêu đờm, trừ ho, tiêu độc, cầm máu, giảm đau.

Trong cây cà gai leo có các thành phần hóa học gồm những hợp chất saponin steroid, các alcaloid là solasodin, solasodinon, ngoài ra còn có diosgenin, glycoalkaloid… Khi dùng làm thuốc có thể dùng toàn cây hoặc dùng riêng rễ, cành lá.

Từ xa xưa, cây cà gai leo đã được sử dụng để giải độc rượu cho gan. Các thử nghiệm về tác dụng của cây gà gai leo cho kết quả vô cùng khả quan trong việc điều trị bệnh gan, làm giảm các triệu chứng vàng da, vàng mắt, mệt mỏi ở những người viêm gan. Đặc biệt, loại thảo dược này có khả năng làm giảm nồng độ virus viêm gan trong máu của người bệnh, đã được kiểm chứng và chứng minh khả năng ngăn ngừa, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh xơ gan.

Atisô có tác dụng thanh nhiệt và làm mát gan

Uống trà Atiso có lợi cho sức khỏe của những người bệnh gan
Uống trà Atiso có lợi cho sức khỏe của những người bệnh gan

Tên khoa học của cây atisô là Cynara scolymus L. thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây atisô được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Ở Việt Nam, atisô được trồng nhiều nhất ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Cây kế sữa mọc nhiều ở nơi có khí hậu khô, nhiều nắng.

Theo đông y, lá atisô có vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Atisô có tác dụng lợi tiểu và thanh nhiệt. Atisô có thể dùng tươi như một loại rau hoặc phơi khô để làm thuốc, phổ biến nhất là sản xuất thành trà túi lọc, có thể sử dụng một cách rất tiện lợi.

Các thành phần chính tạo ra tác dụng của atiso bao gồm chất đắng cynarin (axit 1,4-dicafein quinic). Ngoài ra còn có inulin, các tanin và tỉ lệ cao các muối của kim loại Kali, muối Canxi, Magie, Natri.

Atisô có thể bảo vệ gan của khỏi bị tổn thương và hư hại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mới. Atisô cũng làm tăng sản xuất mật, giúp loại bỏ các độc tố có hại khỏi gan. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh atisô giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, làm giảm lượng chất béo tích tụ trong gan, làm chậm tiến triển và chống lại tình trạng viêm gan. Các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong atisô là cynarin và silymarin được cho là chịu trách nhiệm cho những tác dụng trên.

Cây kế sữa giúp giải độc gan hiệu quả

Cây kế sữa có ích cho những người bị xơ gan
Cây kế sữa có ích cho những người bị xơ gan

Cây kế sữa còn được gọi là cây cúc gai hay cây kế thánh. Kế sữa có tên khoa học là Silybum Marianum, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Ở nước ta, cây kế sữa được trồng nhiều ở các tỉnh miền trung.

Cây kế sữa có vị đắng, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, cầm máu, trừ lỵ, làm tăng huyết áp. Toàn bộ cây gồm lá, thân, rễ, hoa và hạt đều có thể được sử dụng làm thuốc

Thành phần hóa học của cây kế sữa chủ yếu được gọi chung là Silymarin, bao gồm các hợp chất flavonolignan như silybin, silychristin, silydianin.

Cây kế sữa đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước đây để điều trị các bệnh về gan và ống mật. Các nghiên cứu cho thấy rằng kế sữa có đặc tính bảo vệ gan. Silymarin được cho là có tác dụng chống oxy hóa mạnh và có thể giúp thúc đẩy tái tạo tế bào gan, giảm viêm, giải độc gan, bảo vệ các tế bào gan khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và độc tố. Silymarin còn giúp sửa chữa các tế bào bị tổn thương, tăng cường phát triển các tế bào gan mới, hỗ trợ điều trị xơ gan hiệu quả.

Lời Kết

Một số loại thảo dược có liên quan đến việc cải thiện và phục hồi chức năng gan, là phương thuốc tự nhiên hiệu quả dành cho những người bị bệnh gan. Người bệnh cần lựa chọn nguồn cung cấp thảo dược an toàn, đáng tin cậy, không lạm dụng, tham khảo ý kiến của nhân viên y tế và trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cần thiết trước khi sử dụng các loại cây thuốc để điều trị bệnh.

Mục nhập này đã được đăng trong Chưa phân loại. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *