Viêm gan: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh

Viêm gan là một tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Theo Tổ chức Y Tế thế giới, hằng năm có khoảng hơn 2 tỷ bệnh nhân mắc bệnh viêm gan. Ở Việt Nam, bệnh viêm gan chiếm khoảng trên 20% dân số. Số lượng ca mắc bệnh ngày càng gia tăng phần lớn do tình trạng diễn tiến bệnh thầm lặng với các dấu hiệu tương đối mờ nhạt, có thể nhầm lẫn với một số triệu chứng bệnh thông thường khác nên bệnh nhân thường bỏ qua. Việc không sớm tiếp cận và điều trị kịp thời làm cho tình trạng viêm gan có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan gây đe dọa tính mạng bệnh nhân. Tình trạng viêm gan có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do siêu vi là tình trạng phổ biến nhất. Bài viết này sẽ giúp người đọc nhận biết được một số vấn đề cơ bản liên quan đến bệnh viêm gan.

Viêm gan là gì?

Viêm gan (Hepatitis) là tình trạng gan bị tổn thương, đặc trưng bởi sự hiện diện cả các tế bào bị viêm tại mô gan. Tình trạng viêm gan thường diễn ra thầm lặng và không biểu hiện trong giai đoạn ủ bệnh mà chỉ khi bệnh nhân đã bị viêm gan nặng mới xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Điều này làm cho người bệnh khó có thể chủ động trong việc phát hiện sớm nhằm kịp thời điều trị bệnh. Viêm gan làm cho chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng, hình thành xơ gan hay thậm chí là ung thư gan dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân gây viêm gan

Viêm gan có nguyên nhân chủ yếu là do sự xâm nhập của các siêu vi
Viêm gan có nguyên nhân chủ yếu là do sự xâm nhập của các siêu vi

Tình trạng gan có thể có nhiều nguyên nhân gây nên như sự xâm nhiễm của các virus như virus viêm gan A,B,C,… các loại ký sinh trùng hoặc do bệnh nhân sử dụng rượu bia trong thời gian dài, ngộ độc thuốc gây hại cho gan như paracetamol liều cao. Theo phân loại chứng, viêm gan được chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính là do virus và không do virus.

Viêm gan do virus, ký sinh trùng

Có nhiều loại virus khác nhau gây viêm gan
Có nhiều loại virus khác nhau gây viêm gan

Tùy theo nhóm virus, ký sinh trùng gây bệnh, bệnh viêm gan do virus có thể chia thành từng nhóm nhỏ:

Viêm gan siêu vi A

Viêm gan A là tình trạng do các virus HAV gây nên làm tổn thương tế bào gan, có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan. Nguyên nhân bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan A thường là từ thức ăn. Phần lớn người mắc viêm gan siêu vi A có thể tự phục hồi và tỷ lệ bệnh viêm gan A ở Việt Nam không cao, do đó người bệnh thường chủ quan và xem nhẹ hậu quả của bệnh gây nên. Những trường hợp tử vong do viêm gan A được ghi nhận chủ yếu trong giai đoạn cấp tính, trong vòng 6 tháng nhiễm bệnh.

Viêm gan siêu vi B

Viêm gan virus B là loại viêm gan phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc chiếm 20% dân số Việt Nam. Tình trạng viêm gan B diễn tiến rất thầm lặng và mờ nhạt khiến người bệnh thường bỏ qua. Tình trạng viêm gan B cấp tính không được phát hiện kịp thời có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và biến chứng nguy hiêm như xơ gan, ung thư gan. Khi đó, bệnh nhân thường phải sống chung với viêm gan B mãn tính gần như suốt đời. Viêm gan virus B có thể lây truyền qua đường máu, đường sinh dục và từ mẹ sang con. Chỉ khoảng 1% số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng bệnh rõ ràng nhưng khả năng lây nhiễm cao ngay cả khi không triệu chứng.

Viêm gan siêu vi C

Viêm gan C do Hepatis virus C (HVC) gây nên và là một trong ba loại viêm gan siêu vi phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ gây bệnh thấp hơn virus viêm gan A và B nhưng tổn thương do virus viêm gan C có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến các tế bào gan. Hiện nay, tỷ lệ mắc viêm gan C trên thế giới chiếm khoảng 3% dân số, trong đó khoảng 170 triệu người mang virus HCV không biểu hiện triệu chứng. Đây là chủng virus lần đầu tiên phát hiện vào năm 1989 và có khả năng lây truyền qua đường máu nhưng hiếm khi lây truyền qua đường tình dục. Cho đến hiện nay, chứ có thuốc đặc trị viêm gan virus C những bệnh nhân HVC cũng có thể được điều trị hiệu quả nếu sớm được chẩn đoán phát hiện.

Viêm gan siêu vi D

Viêm gan siêu vi D do chủng virus viêm gan D (Hepatitis D virus – HDV) gây nên. Theo một số nghiên cứu, chủng virus HDV có vật liệu di truyền là ARN, cấu trúc này khác chủng virus viêm gan A, B và C. HDV lần đầu tiên được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1977. HDV tạo nên sự nhiễm kết hợp virus trong cơ thể người bệnh và cần sự có mặt của kháng nguyên bề mặt là HBsAg của những hạt virus HBV nhằm tiến hành nhân bản và nhanh chóng lây nhiễm sang các tế bào gan khác.

Diễn tiến bệnh HDV thường rất nhanh chóng và đa dạng. Từ viêm gan D cấp, bệnh nhân có thể diễn tiến đến giới hạn cấp và suy gan tối cấp. Bệnh lý viêm gan D thường xảy ra trên nền bệnh nhân đã nhiễm virus viêm gan B và làm trậm trọng thêm tình trạng bệnh.

Viêm gan siêu vi E

Viêm gan E có tỷ lệ mắc bệnh cao ở những nước nằm trong vùng nhiệt đới, môi trường không được sạch sẽ và thường xảy ra tình trạng mưa lũ. Virus viêm gan E tồn tại trong phân, nước thải, rác thải và do đó mưa lũ ngập lụt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh dễ sinh sôi và phát triển. Vật liệu di truyền của virus viêm gan E là chuỗi đơn ARN bao gồm 8 kiểu gen chính.

Trong đó, kiểu gen 1 và 2 chủ yếu gây bệnh ở người, các kiểu gen khác gây nhiễm một số động vật nuôi như lợn, nai, lạc đà,… và có thể lây truyền sang người. Ngoài các biểu hiện thường thấy ở người bệnh viêm gan, nhiễm virus viêm gan E có thể gây tổn thương các cơ quan khác và biểu hiện lâm sàng phức tạp gây nên việc khó chẩn đoán.

Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng

Amip và ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium falciparum) hay giun sán, sán là gan, sán dây chó cùng các loại xoắn khuẩn khác là các loại vi ký sinh có thể gây hại đến gan. Bệnh lý nhiễm amip hay ký sinh trùng sốt rét sẽ làm gan bị sưng ta và suy giảm chức năng gan, làm giảm khả năng chống độc, dự trữ và chuyển hóa ở gan. Các loại ký sinh trùng thường gây nên những bệnh lý về gan nguy hiểm và rất khó điều trị như viêm đường mật, phì đại túi mật gây ra bởi sán lá gan và giun đũa. Viêm gan cấp tính thường gây ra bởi Salmonella Typhi, trong khi các loại xoắn khuẩn như M.capillariasis, giun đũa, giun lươn có khả năng làm gia tăng phản ứng viêm và gây xơ hóa ở gan.

Viêm gan không do virus

Viêm gan do rượu bia

Rượu bia là nguyên nhân gây viêm gan hàng đầu
Rượu bia là nguyên nhân gây viêm gan hàng đầu

Bia rượu và các thức uống có cồn là nguyên nhân hàng đầu làm cho tình trạng viêm gan ngày càng phổ biến. Việc uống rượu bia sẽ làm cho men gan bị tăng cao và lâu ngày sẽ gây tổn hại xấu đến gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ hay nặng hơn là xơ gan, ung thư gan. Phần lớn những bệnh nhân viêm gan thường uống rượu bia nhiều, thậm chí lạm dụng. Chúng ta cần hạn chế đồ uống có cồn nếu muốn duy trì một lá gan khỏe mạnh.

Viêm gan do ngộ độc thuốc

Các thuốc điều trị thường đều phải được chuyển hóa qua gan và do đó nếu lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ làm gây nên tình trạng viêm gan cấp tính, làm các tế bào gan sẽ bị tổn thương hoặc thậm chí là bị hoại tử. Paracetamol là một loại thuốc giảm đau thường dùng nhưng nếu quá liều (>2g/ngày) sẽ có nguy cơ làm tổn hại đến gan. Bên cạnh đó, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu nhóm statin cũng là nguyên nhân hàng đầu làm cho men gan bị tăng cao dẫn đến viêm gan. Tóm lại, cần thận trọng và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của các nhân viên y tế.

Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn là xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào gan. Nguyên nhân được cho là có thể liên quan đến di truyền, độc chất hoặc do các loại thuốc. Mặc dù tỷ lệ bệnh viêm gan tự miễn khả thấp (khoảng 1,9/100.000) nhưng nếu bệnh kéo dài mà không điều trị cũng có thể dẫn đến xơ gan.

Các loại viêm gan thường gặp

Viêm gan thường gồm hai giai đoạn là viêm gan cấp tính và mãn tính.

Viêm gan cấp tính

Viêm gan cấp tính là tình trạng tế bào gan bị phá hủy làm cho xuất hiện những tế bào bị viêm trong mô gan. Thời gian viêm gan cấp tính thường kéo dài trong vòng 6 tháng. Phần lớn bệnh nhân khi mắc viêm gan cấp tính có thể hồi phục nhưng cũng có nhiều trường hợp có thể tiến triển thành viêm gan mãn tính hoặc xuất hiện những biến chứng nguy hiểm khác nếu bệnh nhân không kịp thời phát hiện và điều trị. Tình trạng viêm gan cấp tính có thể biểu hiện một số triệu chứng không rõ ràng thoáng qua như biếng ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa do chức năng gan bị suy giảm. Một số biểu hiện không đặc trưng khác như sốt, nôn mửa, cảm cúm hoặc đau nhức khớp cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn này.

Theo thống kê, có khoảng 90% người bệnh khi mắc viêm gan B cấp tính sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, những trường hợp còn lại bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy cơ xuất hiện những biến chứng gây nguy hiểm cho gan. Người mắc virus viêm gan B chuyển từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi người bệnh. Trong đó, tỷ lệ cao nhất thường là trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Xét nghiệm viêm gan B cấp tính, các chỉ dấu xét nghiệm sinh hóa cho thấy anti-HBc IgM (+) và anti-HBc IgG (-) hoặc có kháng nguyên nội sinh HBeAg (+), enzym gan ALT-alanin aminotranferase tăng chứng tỏ virus đang nhân lên.

Viêm gan mãn tính

Viêm gan mãn tính có thể dẫn đến ung thư gan
Viêm gan mãn tính có thể dẫn đến ung thư gan

Viêm gan mãn tính là tình trạng bệnh khi gan đã có tổn thương hoại tử và viêm gan kéo dài trên 6 tháng. Đây thường là hậu quả khi tình trạng viêm gan cấp tính không được phát hiện kịp thời và điều trị. Bệnh nhân mắc viêm gan tự miễn kéo dài, bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu bia, lạm dụng thuốc kéo dài cũng có nguy cơ bị mắc viêm gan mãn tính. Thời gian đầu bệnh viêm gan mãn tính biểu hiện một số triệu chứng rầm rộ tương tự viêm gan cấp tính, nhưng sau đó các triệu chứng kéo dài và tiếp tục diễn tiến âm thầm.

Viêm gan mãn tính thường có biểu hiện những triệu chứng không rõ ràng khiến chúng ta dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác, vì thế nhận biết tình trạng viêm gan mãn tính thông qua các dấu hiệu lâm sàng là vô cùng khó khăn. Cách tốt nhất để nhận biết tình trạng viêm gan là bệnh nhân cần đi khám bác sĩ xét nghiệm máu và xét nghiệm sinh hóa.

Ở Việt Nam nhiều trường hợp được xác định là viêm gan mãn tính khi người bệnh kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc xét nghiệm máu trước khi hiến máu, khám thai định kỳ. Mặc dù vậy, một số dấu hiệu sau đây có thể gợi ý tình trạng viêm gan siêu vi bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau tức ở gan, vàng da và vàng mắt hoặc xuất hiện tình trạng chướng bụng.

Viêm gan có nguy hiểm không

Viêm gan là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh nhiễm trùng siêu vi trên thế giới với những biến chứng nặng nề như xơ gan, ung thư gan. Tính trạng bệnh nếu không được sớm phát hiện sẽ để lại những biến chứng nặng nề như xơ gan, ung thư gan đe dọa tính mạng bệnh nhân. Tình trạng viêm gan cấp có thể thể gây tử vong nếu bệnh nhân không kịp thời phát hiện, nhưng người bệnh có thể hoàn toàn khỏi nếu vượt qua được giai đoạn cấp. Trong khi đó, viêm gan mãn tính lại diễn tiến âm thầm và bệnh nhân sẽ phải sống chung cả đời với bệnh lý viêm gan mãn tính. Bên cạnh hủy hoại tế bào gan, các virus gây nên viêm gan siêu vi có thể tiếp tục tấn công đế nhiều bộ phận và hệ thống khác trong cơ thể.

Khi bị các virus siêu vi tấn công, cơ thể có thể sản sinh ra các kháng thể chống lại nhưng chính các kháng thể sinh ra lại gây nên những phản ứng có ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác trong cơ thể như tổn thương thận, dị ứng ngứa, tê liệt và đau do tổn thương dây thần kinh cơ, đau khớp, da mẩn đỏ thậm chí loét. Hơn nữa, những bệnh nhân mắc viêm gan có nguy cơ cao mắc thêm các bệnh khác như đái tháo đường, trầm cảm,…

Viêm gan có lây không?

Viêm gan có nguyên nhân chủ yếu là do virus và các ký sinh trùng gây bệnh nên khả năng lây lan thường xảy ra và có nhiều con đường lây nhiễm bệnh khác nhau. Bệnh viêm gan A thường lây truyền qua đường tiêu hóa từ phân người bệnh hoặc do ăn thực phẩm bẩn. Bệnh viêm gan B và C thường lây truyền qua đường máu hoặc sinh lý (quan hệ tình dục hay mẹ sang con). Bệnh viêm gan D do viêm gan B tiến triển nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng có thể ngăn ngừa lây truyền bệnh. Bệnh viêm gan E tương tự viêm gan A dễ lây truyền qua đường tiêu hóa, nhất là phân. Bệnh viêm gan cấp tính không do nguyên nhân virus sẽ không bị lây nhiễm.

Viêm gan A

Viêm gan A có thể lây nhiễm qua đường ăn uống
Viêm gan A có thể lây nhiễm qua đường ăn uống

Việc chủ quan khi tiếp xúc với những bệnh nhân viêm gan A, đặc biệt là những người không biểu hiện triệu chứng, có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus và làm cho tỷ lệ mắc bệnh hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Khác với virus viêm gan B và C thường lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục, virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa. Những thức ăn, đồ uống hay vật dụng cá nhân tiếp xúc với người bị nhiễm virus sẽ trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Do đó, chúng ta nên cẩn thận trong việc sử dụng chung thức ăn, nước uống cũng như sử dụng nguồn thức ăn, nước uống vệ sinh và an toàn. Ngoài ra, môi trường công cộng như bể bơi cũng là nơi có thể lây truyền virus viêm gan A. Virus viêm gan A tồn tại và phát triển tốt trong cả môi trường đất và nước. Trong bệnh phẩm, virus viêm gan A thường được tìm thấy nhiều nhất trong phân. Ngoài ra, virus cũng có thể tồn tại trong nước tiểu và nước bọt.

Từ nguồn thức ăn và nước uống chứa virus viêm gan A, virus sẽ theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể, phân bố đến gan và gây nên tình trạng viêm. Mầm virus viêm gan A trú ẩn trong các thực phẩm bẩn, thức ăn sống giúp virus xâm nhập vào cơ thể và tạo điều kiện môi trường thuận lợi để chuyển thành dạng hoạt động gây hại cho gan người bệnh. Mặc dù viêm gan A hiếm khi lây truyền qua đường máu, những trường hợp lây truyền theo con đường này thường rất nguy hiểm và khả năng gây tử vong rất cao.

Viêm gan B

Đường lây nhiễm của viêm gan B và viêm gan C
Đường lây nhiễm của viêm gan B và viêm gan C

Virus siêu vi B rất dễ lây qua đường máu, do đó người nhận máu hoặc các chế phẩm máu của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B đều có thể bị lây nhiễm virus. Những trường hợp có nguy cơ cao cần cảnh giác để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan B bao gồm tiệt trùng các y cụ trong y khoa và nha khoa, sử dụng chung kiêm tiêm hoặc các dụng cụ có thể phơi nhiễm với máu. Đối với những người nghiện ma túy, việc sử dụng kim tiêm không vệ sinh nhiều lần, dùng chung kim tiêm có thể làm lây truyền những mầm siêu vi nguy hiểm, trong đó có virus viêm gan B.

Viêm gan B cũng có thể lây truyền qua đường sinh dục khi quan hệ tình dục với bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus gây viêm gan siêu vi B. Mỗi người cần có ý thức bảo vệ an toàn cho mình và người khác bằng sinh hoạt tình dục an toàn. Virus viêm gan B có thể bị lây truyền từ mẹ sang con là qua nhau thai trong thời điểm sinh con.

Viêm gan C

Tương tự viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C có khả năng lây truyền qua đường máu qua các vết thương hở hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân. Tuy nhiên, viêm gan C hiếm khi lây truyền qua đường tình dục. Trong chăm sóc y khoa và nha khoa, đôi khi có những thủ thuật can thiệp xâm lấn nên nếu các y cụ không được tiệt trùng kỹ sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus từ người bệnh. Đây được xem là nguyên nhân thường nhất khiến viêm gan siêu vi C lan truyền nhanh chóng. Một số trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với máu của bệnh nhân viêm gan C như dùng chung dao cạo, cắt tóc, xâm mình, xỏ khuyên,… bệnh nhân có thể hoàn toàn không hay biết mình đã bị nhiễm virus từ người khác.

Mặc dù khả năng lây truyền virus HVC qua đường tình dục là hiếm hơn so với virus HBV, người lành cũng có thể bị nhiễm virus viêm gan C với những hành vi tình dục có thể gây tổn thương hay trầy xước hoàn toàn có nguy cơ cao truyền nhiễm. Viêm gan C cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con nhưng với tỷ lệ khá thấp, trong vòng khoảng 5%. Khi sinh nở, nhau thai bong tróc làm virus viêm C sẽ truyền theo đường máu từ mẹ sang con. Mặc dù virus viêm gan C không lây qua đường ăn uống và lây qua sữa mẹ nhưng các bà mẹ bị nhiễm virus viêm gan C được khuyến cáo không nên cho con bú sữa trực tiếp mà vắt sữa rồi cho con bú, tránh trường hợp đầu vú bị trầy xước có thể lây truyền bệnh sang cho con.

Cách điều trị viêm gan

Trong giai đoạn viêm gan cấp tính, mục tiêu chính của điều trị là làm giảm tình trạng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành mãn tính. Thực tế bệnh nhân có thể tự hồi phục nếu cơ thể sản sinh lượng kháng thể đủ chống lại virus. Tuy nhiên, trường hợp này thường ít xảy ra. Người bệnh cần phải đường tăng cường khả năng miễn dịch mới có thể đẩy lùi virus viêm gan.

Trong giai đoạn viêm gan mãn tính, bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được can thiệp tránh xảy ra biến chứng. Trong giai đoạn này, bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus nhằm nhanh chóng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể, đồng thời sử dụng thuốc miễn dịch để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài điều trị, bệnh nhân cần kết hợp thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị viêm gan. Việc sử dụng các thuốc kháng siêu vi trong điều trị viêm gan giúp ngăn virus này phát triển, sinh sôi và ngăn cản được sự tiến triển bệnh. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian dài kéo theo những tác dụng không mong muốn khác ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bổ sung các thực phẩm chức năng giúp bảo vệ gan trong quá trình điều trị bằng thuốc và duy trì lâu dài để cải thiện tình trạng bệnh, tăng sức đề kháng và ngăn chặn nguy cơ biến chứng lâu dài của bệnh.

Cách phòng ngừa viêm gan

Phòng ngừa ban đầu

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với bệnh nhân viêm gan
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với bệnh nhân viêm gan

Chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa sự lây truyền viêm gan bằng những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày. Ăn uống đủ chất sẽ giúp bệnh nhân viêm gan cảm thấy khỏe hơn và tăng cường sức đề kháng chống chọi với bệnh. Bệnh nhân cũng không cần phải ăn kiêng quá mức làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng xấu đến gan. Trong bữa ăn hàng ngày, cần cân đối giữa các chất đạm, đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm gan cũng phải hạn chế không nên ăn quá nhiều cholesterol xấu như nội tạng động vật, thức ăn nhiều dầu mỡ, lòng đỏ trứng gà,… Khả năng bài tiết mật ở bệnh nhân viêm gan bị giảm nên không có khả năng tiêu hóa hết chất béo sẽ làm gan bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh dùng thuốc theo hướng dẫn của các chuyên gia, một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân viêm gan phục hồi nhanh chóng hơn. Bệnh nhân viêm gan cần hạn chế và thay đổi những thói quen làm ảnh hưởng xấu đến gan như kiêng rượu bia, thuốc lá, không thức khuya, hạn chế táo bón, không nên nhịn tiểu… sẽ góp phần làm chậm sự tiến triển bệnh.

Phòng ngừa thứ cấp

Đối với những bệnh nhân đã bị mắc viêm gan, bệnh nhân cần nhận thức rõ tình trạng bệnh và được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc hiệu quả. Cần sớm nhận biết và tích cực điều trị sớm bao gồm sử dụng thuốc kháng virus nếu được bác sĩ chỉ định. Thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm nếu tình trạng viêm gan chuyển sang giai đoạn mãn tính, tránh để những biến chứng nặng nề có thể xảy ra mà không kịp thời phát hiện.

Mục nhập này đã được đăng trong Chưa phân loại. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *